Chuyên gia đề xuất 'cách ly F1 tại nhà trên toàn

Blog typography and design style

Chuyên gia đề xuất 'cách ly F1 tại nhà trên toàn

Bộ Y tế vừa đề xuất F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh chỉ phải cách ly tại nhà 7 ngày, thay vì 14 ngày như lâu nay; F1 tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly tập trung hoặc tại nhà 10 ngày; F1 chưa tiêm vaccine vẫn cách ly 14 ngày.

Bày tỏ ủng hộ chủ trương rút ngắn thời gian cách ly F1, nhưng PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y dược TP HCM), cho rằng trên cơ sở bao phủ vaccine và cải thiện năng lực hệ thống y tế, Việt Nam nên "nới lỏng hơn nữa" việc cách ly F1 theo tinh thần thích ứng an toàn.

Với F1 chưa tiêm đủ liều vaccine hoặc chưa tiêm, ông Dũng cho rằng chỉ nên cách ly tại nhà 7 ngày. Trường hợp gia đình không có điều kiện và mong muốn cách ly tập trung thì các địa phương bố trí nơi cách ly tập trung cho họ. Tuy nhiên, các địa phương "cần hạn chế lập các khu cách ly tập trung bởi vừa gây tốn kém cho ngân sách, vừa dễ lây nhiễm chéo khi quá tải".

"Bộ Y tế và các địa phương cần nêu rõ, F1 nếu phải cách ly thì đều được ở nhà thay vì quy định chưa rõ ràng như hiện nay", ông Dũng nêu quan điểm.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM

Với F1 đã tiêm đủ liều vaccine, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng không cần phải cách ly mà tạo điều kiện cho họ tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường với điều kiện tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang; xét nghiệm hai lần (vào ngày thứ 5 và thứ 7 kể từ khi tiếp xúc F0). Trường hợp kết quả xét nghiệm F1 chuyển thành F0 mới bắt buộc phải cách ly tại nhà hoặc đến cơ sở y tế.

"F1 đã tiêm đủ liều vaccine và xét nghiệm âm tính nghĩa là nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã được giảm thiểu; nếu vẫn cách ly họ sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đơn cử trong các nhà máy, chỉ một vài lao động nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất", ông Dũng nói.

Hơn nữa, theo ông Dũng, nếu vẫn quy định cách ly F1 đã tiêm đủ liều vaccine, có thể dẫn đến tâm lý che giấu ở một số người, "khi họ không thông báo trung thực với cơ quan y tế thì hệ lụy sẽ lớn hơn".

Đồng tình với quan điểm trên, PGS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng) đề nghị "việc cách ly F1 tại nhà phải áp dụng đại trà ở tất cả các địa phương trên toàn quốc".

Ông Nga cũng nêu đề xuất bỏ cách ly F1 đã tiêm đủ liều vaccine, bởi những người này có nguy cơ lây nhiễm thấp, hơn nữa hiện nay nhiều tỉnh, thành đã và đang phủ vaccine cho toàn bộ dân số trưởng thành. "F1 ở nhà tự mua kit xét nghiệm, nếu dương tính thì báo cơ quan y tế", ông nói.

Điểm cách ly F1 tại nhà ở đường Lương Thế Vinh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tháng 11/2021. Ảnh: Tất Định

Theo PGS Nguyễn Huy Nga, nếu một nhà máy, phân xưởng phát hiện F0, không cần phải cách ly tất cả F1 cùng dây chuyền, phân xưởng như trước đây, mà chỉ cần cách ly F0. Tất cả mọi người cùng phân xưởng vẫn làm việc bình thường. "Như vậy thì mới có thể khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội", ông Nga nói.

Ở góc độ tiếp cận thận trọng hơn, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng đề xuất của Bộ Y tế hiện nay là phù hợp.

"Những người tiếp xúc gần hoặc đi cùng phương tiện giao thông với F0, đã tiêm đủ liều vaccine, chỉ cần cách ly tại nhà 7 ngày. Người chưa tiêm vaccine cách ly 14 ngày", ông Hùng nêu quan điểm và lưu ý, tất cả F1 nên được cách ly tại nhà.

Từ đợt dịch thứ tư, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà. Đầu tháng 11 trở lại đây, một số địa phương phía Bắc bắt đầu áp dụng việc này như Quảng Ninh, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nội... Bên cạnh chủ trương cách ly F1 tại nhà, các địa phương vẫn duy trì biện pháp cách ly tập trung cũng như các cơ sở phục vụ việc này.

  • Đề xuất giảm thời gian cách ly F1

Viết Tuân

 

Leave a comment

Socials

Back to Top