Mùa thu hoạch cọ

Mùa thu hoạch cọ
2022-01-07 01:34:44Chiều 6/12, bà Nguyễn Thị Khiêm, trú xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, cùng hai con vác thang tre ra vườn, tựa vào thân cây cọ để trèo lên hái quả. Đây là công việc thời vụ thường niên của gia đình bà Khiêm mỗi dịp đông về.
Gia đình bà Khiêm trồng 5 gốc cọ, vào mùa mỗi cây cho 20-30 kg quả. Với những cây thấp tầm 2 m, bà có thể đứng dưới đất với tay hoặc dùng sào gắn liềm để hái quả. Cây cao hơn 5 m thì cần hai người hợp sức, một người đứng phía trên hái, người phía dưới dùng rổ hứng.
Thân cọ nhiều cành mọc nhô ra nên khi đặt thang để trèo lên cao rất khó lấy được vị trí thăng bằng. Do vậy, người đứng phía dưới ngoài nhặt quả còn phải chú ý giữ chặt thang để người phía trên không gặp nguy hiểm.

Bà Nguyễn Thị Khiêm ở xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn đang hái quả cọ. Ảnh: Đức Hùng
Cây cọ được trồng trong vườn nhà dân thuộc vùng trung du và miền núi Hà Tĩnh như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ... Cây cao 6-10 m, thân có gai, tầm gửi mọc nhiều. Khoảng chục năm trước, người dân trồng cọ để bán lá, hoặc chặt lá về lợp mái nhà, làm đồ thủ công mỹ nghệ. Ngày nay, việc sử dụng lá ít dần, nhiều gia đình vẫn giữ lại cây lấy bóng mát và bán quả.
Cọ có nhiều loại như cọ gai, cọ nếp, cọ mỡ... Giống được trồng nhiều nhất là cọ mỡ và cọ nếp, quả màu vàng đậm, dẻo, vị béo ngậy. Cây có tuổi đời khoảng 30 năm, sau đó sẽ mục và chết dần. Tháng 3 hàng năm, cây ra hoa kết trái, đến đầu tháng 12 bắt đầu chín, quả to bằng ngón tay cái người lớn. Từ thời điểm này trở đi người dân bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Cọ được bỏ vào rổ, bày bán bên đường tỉnh lộ đoạn qua huyện Đức Thọ. Ảnh: Đức Hùng
Bà Trần Thị Lan, trú xã Sơn Bằng, nói cây cọ trồng 6 năm trở lên mới cho quả ngon. Quả chất lượng nhất phải được hái từ những cây chưa bao giờ bị chặt lá. Bởi cây bị chặt lá nhiều lần quả sẽ còi cọc, hạt to, vị chát, mất mùi đặc trưng.
Khi hái quả về, người dân sẽ bỏ vào chiếc rổ tre, sau đó đeo găng tay rồi xát mạnh liên tục để làm sạch lớp vỏ màu xanh đậm bên ngoài. Để quả nhanh bong vỏ, nhiều người còn bỏ một ít vỏ trấu vào trong rổ để xát, tưới nước liên tục để rửa sạch. Một kg quả phải mất khoảng 10-15 phút để sơ chế.
Quả làm sạch được bỏ vào nồi nước nóng 70 độ để om. Nước phải giữ ở nhiệt độ này quả mới chín vàng, có vị thơm và béo. Nếu quá nguội hoặc quá nóng cọ sẽ bị sượng, vị chát, không thể ăn. Một lần om trong 10-15 phút.

Một bát cọ được om chín. Ảnh: Đức Hùng
Cọ thu hoạch từ tháng 12 đến giữa tháng 1, mỗi ngày người dân hái khoảng 10-20 kg đem ra chợ hoặc đặt từng rổ lớn bên các đường tỉnh lộ, liên huyện, liên xã để bán. Cọ chưa sơ chế bán 15.000-20.000 đồng một kg, quả om chín bán 30.000 đồng. Mỗi vụ, một gia đình thu 3-5 triệu đồng từ việc bán quả.
Cọ om là thức quà quê dân dã của người dân Hà Tĩnh và nhiều tỉnh thành. Nhiều đầu bếp còn chế biến thành xôi cọ, cọ muối, cọ kho với thịt, cá...
- Mùa thu hoạch trám
Đức Hùng
Leave a comment